LỚP_12A2_THPT_ĐÔ LƯƠNG 3_NIÊN KHÓA 2006.2009
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú - Trích 5 Phần Rất Hay

Go down

Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú - Trích 5 Phần Rất Hay Empty Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú - Trích 5 Phần Rất Hay

Bài gửi  ducmanh Thu Dec 30, 2010 10:25 am


HIỂU LẦM LỚN NHẤT VỀ SỰ GIÀU CÓ
Tại sao hơn 90% người đời cảm thấy làm giàu thật khó như đi lên trời? Đó là vì tất cả chúng ta đều nghe về những điều không đúng, những điều chỉ cản trở mình trên bước đường trở nên giàu có. Trước khi có thể làm giàu, ta hãy cùng nhau khám phá sự thật về sự giàu có và dẹp bỏ tấm màn vẫn che mắt nhiều người bấy lâu nay.
Hãy bắt đầu bằng một bài tập đơn giản. Tôi muốn bạn nhắm mắt lại và hình dung về một triệu phú. Ông ta khoác trên người bộ cánh như thế nào, lái xe hiệu gì, xài tiền như thế nào, một ngày của ông ấy ra sao, ông ăn gì uống gì? Bạn hãy hình dung trong đầu bây giờ trước khi đọc tiếp.
Vậy bạn đã nghĩ về những hình ảnh gì?
Đa số mọi người vẽ ra bức tranh choáng ngợp của thế giới thượng lưu. Họ mặc đồ hiệu, lái xe đời mới, xài tiền như nước, ăn cao lương mỹ vị trong những nhà hàng sang trọng và gọi thứ rượu lâu đời nhất.
Cũng có thể bạn hình dung ra một quý ông đang nằm dài trên chiếc ghế sofa da sang trọng trong ngôi biệt thự hay trên chiếc du thuyền lộng lẫy, miệng phì phèo điếu xì gà Havana. Sao lại có chuyện ấy? Đó là vì chúng ta bị “tẩy não” bởi phim ảnh, tivi, báo chí nên cho rằng đó là cách triệu phú sống và tiêu tiền. Chính niềm tin và lối nghĩ này cản trở chúng ta làm giàu!
Sự thật, có rất ít những người làm giàu từ tay trắng sống theo cách này. Chỉ một vài người giàu hưởng thụ cuộc sống xa hoa như vậy. Đó có thể là những người được thừa kế tài sản kếch sù hoặc phất lên nhanh chóng nhờ tài năng thể thao hoặc trong ngành giải trí. Dù là ai thì những người có lối sống phung phí vô tội vạ ấy cũng đều có một điểm chung: tài sản và tiếng thơm không ở lại cùng họ quá 10 năm. Sự giàu có của họ chỉ là tạm thời. Hãy xem tay đấm Mike Tyson, ca sĩ nhạc sĩ R&B lừng danh Bobby Brown và danh sách dài dằng dặc những ngôi sao kiếm được triệu đô trong sự nghiệp của họ. Đó đều là những người nếu không phá sản thì cuối đời cũng ngập trong nợ nần.

SỰ THẬT VỀ SỰ GIÀU CÓ
Trong quyển sách bán chạy của tờ New York Times “Người hàng xóm triệu phú” (The Millionaire Next Door), Thomas J. Stanley phỏng vấn 300 người từ tay không làm ra bạc triệu để tìm hiểu cách họ suy nghĩ, kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào. Ông phát hiện ra khá nhiều nghịch lý và nhờ đó mà quyển sách của ông bán đắt như loại cổ phiếu đang lên giá.
Stanley cho biết, khối người lương cao chót vót, thay xe xịn như thay áo, khoác lên người những bộ cánh mốt nhất và có vẻ như không có cách nào tiêu hết tiền, oái oăm thay, thường chẳng có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Đó là những chuyên gia hoặc nhân viên cao cấp của những công ty đa quốc gia mà ông gọi là “Nhóm không tích lũy” (Under Accumulator of Weath – UAW).
Ngược lại, những người thật sự có tiền triệu trong tay (tổng tài sản hơn 1 triệu đô) biết cách tiết kiệm và sống dưới mức chuẩn của họ rất nhiều. Khoảng 80% triệu phú sinh ra trong gia đình nghèo hoặc bình thường. Họ mặc những bộ vest giá phải chăng, không bao giờ mang đồng hồ đắt hơn 500 đô. Phần lớn đi xe cũ hoặc không bao giờ mua xe đắt tiền. Họ thường đầu tư ít nhất 20% tài sản vào cổ phiếu hoặc công ty riêng. Đây là những người được Stanley xếp vào “Nhóm tích lũy” (Prodigious Accumulators of Weath – PAW).
Thật ra, phát hiện của Stanley chỉ là một minh chứng hùng hồn cho những gì mà nhiều người trong chúng ta đã biết. Từ thế kỷ 19, trong quyển “Hội chợ phù hoa”, William Thackerey, nhà văn nổi tiếng người Anh đã khắc họa sinh động và chân thật chân dung tầng lớp thượng lưu và quyền lực trong xã hội. Đó là những người có cuộc sống hào nhoáng mà ai cũng mơ ước, nhưng từ đầu đến chân họ đều là của đi vay mượn. Họ quỵt tiền nhà, tiền công thợ may thậm chí công sức của những người thuộc tầng lớp dưới như anh đánh xe, bác bán thịt. Điển hình là lối sống tốt mã rẻ cùi của cặp vợ chồng Becky và Rawdon Crawley.
Khi còn rất trẻ, tôi cũng có những suy nghĩ không đúng về cuộc sống của những người giàu có. Ngày ấy, tôi vừa thán phục vừa ganh tị với những người lái xe Porsche đời mới nhất, ẩn mình trong tòa biệt thự và hưởng thụ những gì xa hoa lộng lẫy nhất. Nhưng người cha triệu phú của tôi (không bao giờ mua xe mới cho tới khi ông 50 tuổi) thường bảo tôi rằng những người ấy thật ra là những người “sống mượn” và ngân hàng mới là chủ sở hữu nhà và xe của họ. Mãi sau này tôi mới hiểu được ý nghĩa những lời ông nói.

Công cụ làm giàu lợi hại nhất

Bạn có biết đâu là thứ tài sản quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho con người không? May thay, đó không phải là việc sở hữu hai tấm bằng đại học, bằng thạc sĩ kinh tế hay bằng tiến sĩ của các trường đại học danh tiếng nhất. Càng không phải là gia sản kếch xù mà nhiều người may mắn thừa hưởng từ cha mẹ, ông bà hay người thân để bắt đầu sự nghiệp.
May mắn hơn, thứ tài sản mà bạn sở hữu tuyệt đến nỗi nó không chỉ cho bạn mức lãi suất 4% của ngân hàng, hay 20% tiền lời mà bạn có thể nhận được từ thị trường chứng khoán. Mức lợi nhuận mà nó mang lại cao gấp nhiều lần. Thậm chí nếu bạn hết lòng phát triển nó, nó có thể mang về cho bạn 1000% lợi nhuận với khoảng thời gian hữu hạn mà bạn bỏ ra.
Thứ tài sản tôi đang nói đến là thứ mà ai trong chúng ta cũng có từ lúc chào đời. Đó là thứ duy nhất giúp con người không chỉ kiếm tiền, làm giàu, mưu cầu hạnh phúc mà còn chinh phục được những đỉnh cao tài chính không giới hạn. Thứ tài sản giá trị này chính là bộ óc của bạn hay còn gọi là tài sản trí tuệ.
Nếu bạn biết cách đầu tư thời gian và tiền bạc để mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng, nhất là hiểu biết về tài chính, não bộ sẽ giúp khơi dòng tiền về cho bạn, dồi dào trong suốt cuộc đời. Đó là thứ tài sản mà bạn cần tin cậy, trân trọng; và tôi viết quyển sách này không gì ngoài mục đích giúp bạn tăng cường đến mức tối đa tính năng kỳ diệu của thứ tài sản trí tuệ mà bạn đang nắm giữ ấy.
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này, bởi vì giống như nhiều triệu phú khác, tôi cũng bắt đầu mà chẳng có gì ngoại trừ lòng khát khao học hỏi những kiến thức giúp con người làm giàu. Ngày hôm nay, tôi có thể thành thật nói rằng hàng triệu đô mà tôi và các cộng sự đã tạo ra cho công ty chúng tôi và cho gia đình mỗi người chính là nhờ vào những ý tưởng trong đầu chúng tôi. Những ý tưởng đó sẽ không xuất hiện nếu chúng tôi không đầu tư học tập về tài chính.
Cách đây còn chưa lâu lắm, tài sản của một công ty thường được đánh giá dựa trên những tài sản hữu hình, như máy móc, nhà xưởng, vật dụng và đất đai. Giá trị của công ty chính là tổng số tiền của những thứ đó cộng lại. Ngày nay, hơn 90% giá trị của công ty là tài sản vô hình hay tài sản trí tuệ. Hãy nhìn vào Google, Microsoft, Nike, Berkshire Hathaway hay Ebay mà xem. Mỗi công ty này trị giá hàng tỉ đô và kiếm được hàng trăm triệu đô mỗi năm, thế mà tổng số tài sản hữu hình của họ lại chẳng đáng bao nhiêu. Toàn bộ nhà xưởng, tài khoản ngân hàng, hàng tồn kho và thiết bị văn phòng cộng lại chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị công ty. Nike thậm chí còn không có một nhà máy nào. Giá trị của những công ty này nằm trong ý tưởng và trí tuệ của những người làm việc ở đó.
Bạn cũng vậy! Hơn 90% tài sản của bạn không phải là những gì bạn có trong ví hay gửi ngân hàng, mà nằm trong đầu bạn. Trong thời đại thông tin hiện nay, một ý tưởng độc đáo có thể kiếm được hàng tỉ đô. Đó là cách mà một anh thanh niên không bằng đại học, không tiền bạc, làm việc ngay trong nhà xe của bố mẹ nuôi, có thể trở thành triệu phú ở tuổi 25 (tôi muốn nói đến Steve Jobs, Giám đốc công ty Apple Computers).
Đó cũng là con đường đã giúp cho một người Ấn Độ 35 tuổi, lưu lạc đến một đất nước xa lạ (Singapore), không một đồng lận lưng và không có gì ngoại trừ lời mời làm việc của một công ty nọ, xây dựng được một công ty toàn cầu với thu nhập hàng năm lên đến 3,4 tỉ đô, với 800 nhân viên thuộc 31 nước chỉ trong vòng 5 năm (Vikas Goel, Giám đốc công ty eSys Technologies).
Những nghiên cứu mới nhất về não bộ cho chúng ta thấy một sự thật đáng kinh ngạc: tất cả chúng ta, về căn bản, đều có lượng nơ-ron (tế bào thần kinh) như nhau, và vì vậy, chúng ta có cùng tiềm năng phi thường của não bộ. Tuy nhiên, trong thực tế, một người trung bình tận dụng chưa đến 1% tiềm năng não bộ trong suốt cuộc đời. (Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về sức mạnh của bộ não con người, bạn có thể đọc quyển sách đầu tay của tôi, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”).
Như vậy, chừng nào não của bạn còn hoạt động thì chừng ấy bạn còn sở hữu thứ tài sản vô giá đã giúp Bill Gates, Warren Buffett, Richard Branson hay Donald Trump có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Tất cả các tỉ phú này đều bắt đầu không có gì ngoài vốn liếng trí tuệ của mình.
Vì thế, bất kể bạn đam mê điều gì và mục tiêu của bạn là kiếm được bao nhiêu tiền, tôi cũng nguyện làm người bạn đồng hành chia sẻ với bạn những bí quyết làm thế nào để kích hoạt tài sản giá trị này. Từ kinh nghiệm bản thân và từ những gì tôi học hỏi được ở những người giàu nhất và mạnh nhất, tôi sẽ lần lượt chia sẻ với bạn những tuyệt chiêu và chiến lược làm giàu tiên tiến nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nói cách khác, bạn sẽ được học cách kiếm tiền, quản lý tiền, rồi làm cho nó sinh sôi nảy nở không phải bằng cấp số cộng mà bằng cấp số nhân.
Và tất cả những điều tôi yêu cầu ở bạn chỉ là sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Ta hãy bắt đầu, bạn nhé!

Tiền bạc là một trò chơi… bạn phải học để biết cách thắng

Bạn thấy đó… kiếm tiền cũng giống như một cuộc chơi. Nếu bạn nắm được luật chơi, tiền sẽ chảy vào túi bạn. Nếu chơi không đúng luật, suốt đời bạn sẽ phải vật lộn với những vấn đề tài chính, bất kể bạn có làm việc chăm chỉ đến mấy.
Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi, tại sao có người kiếm được gấp 5, gấp 10, thậm chí gấp 20 lần người khác? Phải chăng vì họ thông minh hơn gấp 20 lần? Làm việc chăm chỉ hơn gấp 20 lần? Hay vì họ may mắn hơn? Câu trả lời đúng cho những câu hỏi này là “KHÔNG”.
Tôi dám chắc là bạn biết một số người, khi còn đi học họ có vẻ lười hơn bạn, thành tích kém hơn bạn, nhưng bây giờ họ lại giàu gấp 5 gấp 10 lần bạn. Mặc dù học bạ của họ có nhiều điểm dưới trung bình, nhưng danh mục tài sản của họ thì khiến nhiều người phải ghen tị. Tại sao ư, lý do duy nhất là họ hiểu rõ vòng xoay của đồng tiền, trong khi phần lớn mọi người, trong đó có cả những người rất giỏi giang trong học tập, lại không học được điều đó.
Điều không may là không một ngôi trường nào dạy học sinh làm sao để kiếm tiền, đầu tư như thế nào và quản lý tài sản ra sao để nó sinh sôi nảy nở, trong khi tiền bạc lại là thứ quan trọng nhất giúp chúng ta thực hiện những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống. Nhiều triết gia dạy rằng, “Tiền không phải là tất cả”, “Tiền bạc không mang lại hạnh phúc”, tất cả những điều đó đều đúng, nhưng chỉ đúng một nửa, bởi vì chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn nếu có nhiều tiền hơn (một cách chân chính). Để thành công dễ dàng hơn trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống như sức khỏe, các mối quan hệ, gia đình, công việc, cống hiến cho xã hội,… chúng ta cần phải có một sự bảo đảm về tài chính!
Có một nền tảng tài chính vững vàng có nghĩa là được TỰ DO, được giải phóng khỏi các chủ nợ hoặc các chồng hóa đơn đòi thanh toán. Để sống một cách đúng nghĩa, bạn cần có đủ tiền nuôi bản thân và gia đình, trả cho những nhu cầu căn bản và thỉnh thoảng cho phép mình hưởng thụ những thứ xa xỉ. Điều đó có nghĩa là được “tự do” nghỉ việc, rời bỏ công ty, “tạm biệt” ông chủ, không phải làm chung với người mình không ưa, và có quyền làm công việc mình muốn, một việc có ý nghĩa và đem lại sự thỏa mãn cá nhân. Có lẽ trên đời không ai bàn cãi về nhu cầu có đủ tiền cho bản thân mình.
Nền giáo dục truyền thống (cũng may là đang có dấu hiệu thay đổi) không bao giờ dạy chúng ta làm giàu, thay vì thế nó dạy ta những khái niệm giáo điều khiến chúng ta phải cám ơn cuộc đời vì sự nghèo khó của mình. Trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được dạy rằng, “Hãy học chăm, đạt điểm cao, có công việc tốt và thế là cuộc đời sẽ nở nụ cười với bạn”. Rằng, “Đầu tư là rủi ro”, “Đừng làm bộ tài khôn”, “Chớ có chơi cổ phiếu nếu không muốn tán gia bại sản”, “Đam mê kiếm tiền là xấu”, “Bọn giàu có rặt một lũ người xấu” hoặc “Đừng có ky ky cóp cóp làm giàu”.
Kết quả của những lời khuyên “phản giàu” này là hầu hết mọi người cặm cụi làm lụng suốt đời mà chỉ đủ ăn, hoặc rơi vào vòng xoáy tiền bạc để cuối cùng chịu cảnh trắng tay với bao ngậm ngùi nuối tiếc. Tuy vậy, một số ít người may mắn biết rằng, nếu chỉ dựa vào một công việc tốt và một tinh thần làm việc chăm chỉ, người ta không thể nào giàu nổi. Muốn giàu có cần một cách nghĩ khác và một chiến lược khác. Chỉ những người nắm được bài học này mới thoát khỏi vòng xoáy tiền bạc và bước lên một tầm cao mới: có được sự tự do thật sự và sự bảo đảm về tài chính.
Một số người cần 10 năm để nắm được điều đó, cũng có những người cần tới 30 năm, và có người đến lúc hiểu ra thì đã quá muộn. Trong quyển sách này, bạn sẽ học được những điều mà người ta cần cả đời người để nghiệm ra.

Tư duy triệu phú

Trong chương này, chúng ta sẽ cùng khám phá cách nghĩ của những triệu phú. Đây cũng là bước đầu tiên trong công thức Làm Giàu Bảy Bước! Trước khi tiếp thu những chiến lược và biện pháp cụ thể để kiếm tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở, bạn phải có tư duy đúng đắn về việc làm giàu.
Hãy nhớ rằng, triệu phú suy nghĩ và nhìn nhận về thế giới rất khác biệt! Nơi người bình thường chỉ thấy vấn đề, các triệu phú thấy cơ hội kiếm tiền. Nơi bạn chỉ thấy thất bại, họ thấy những kinh nghiệm quý báu dẫn dắt họ tới những cơ hội lớn hơn.
Nếu không có cách nghĩ của triệu phú, bạn sẽ không bao giờ phát hiện những cơ may vô hạn lẩn quẩn đâu đó chung quanh mình. Bạn cũng không có đủ sự tập trung và kiên định để bước những bước đi táo bạo và thực hiện những ý tưởng, chiến lược mà tôi sẽ chia sẻ với bạn.
Để giàu có, trước tiên bạn phải toàn tâm toàn ý mong muốn mình có thật nhiều tiền, thật nhiều; chỉ những mong muốn mãnh liệt mới trở thành thực tế. Bạn phải hình dung mình giàu có như thế nào trước khi thu hút được của cải đến với mình. Thực tế đã chứng minh những ai có cách nghĩ của triệu phú sẽ dễ dàng thu hút và khơi nguồn tiền chảy về phía mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí khi họ khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh. Những người như vậy – ngay cả khi thất bại thảm hại như gặp tai nạn hay kinh doanh thất bát, ngập trong nợ nần – là người có thể đứng dậy và giành lại những gì đã mất trong một thời gian ngắn.
Ông vua bất động sản Donald Trump (chủ chương trình “Người tập sự” – The Apprentice) là một ví dụ tiêu biểu. Trump mất toàn bộ cơ nghiệp khi giá nhà đất rớt thê thảm vì đợt suy thoái đầu thập niên 1990, những món nợ của ông chất cao như núi, lên tới 935 triệu đô. Thất bại nhưng không bỏ cuộc, Trump gượng dậy và làm một cú thắng ngoạn mục. Trong vòng 10 năm, ông không những thanh toán hết nợ nần mà còn có sản nghiệp khổng lồ trị giá 3,7 tỉ đô! Tại sao một thất bại kinh hồn như vậy không đè bẹp được ông? Đó là vì Trump hiểu rằng, ông có thể mất hết của cải hữu hình, nhưng tài sản thật sự của ông không phải là tài khoản trong nhà băng, hay bất động sản mà nằm trong bộ óc của ông. Đó là cách nghĩ, cách kiếm tiền, kinh nghiệm và kiến thức tài chính vô giá. Và chính những yếu tố này đã giúp ông tiếp tục trụ vững và thành công trong các thương vụ làm ăn. Tất nhiên, không phải lúc nào ông cũng thắng, nhưng với một tài sản trí tuệ to lớn như vậy, việc ông chiếm lĩnh lại thị trường là điều tất yếu.
Trong khi đó, nhiều người sở hữu cả một gia sản lớn – thừa kế của cha mẹ hay trúng số độc đắc – lại không làm được điều đó. Các nghiên cứu về những triệu phú loại này cho biết, sớm muộn gì họ cũng mất tất cả, người trụ lại lâu cũng chỉ được 10 năm. Kẻ thì do tiêu xài hoang phí, người do bị lừa mất hết tiền hoặc đổ tiền vào những dự án đầu tư ngớ ngẩn. Điều này chẳng có gì khó hiểu, một khi không có cách nghĩ của triệu phú, tiền bạc không bao giờ là người bạn trung thành với bất cứ ai.
Tương tự, khi bạn không tư duy như triệu phú, bạn sẽ không thể thu hút tiền bạc về mình, bất kể bạn thông minh hay chăm chỉ đến mức nào. Tôi biết nhiều người là ngôi sao sáng trong học tập, ra trường họ làm việc chuyên cần cho những công ty danh giá và được trả lương hậu hĩnh cho những đóng góp của mình. Nhưng như bạn cũng biết, những người này không thật sự giàu có, và theo quan điểm của tôi, họ không bao giờ được giải phóng hoàn toàn khỏi những âu lo về tài chính. Như vậy, sự dồi dào của cải không phụ thuộc vào công việc bạn làm, bất kể đó là việc gì, mà tùy thuộc vào cách nghĩ của bạn.

Tăng số nguồn thu nhập

Bạn thân mến, đã đến lúc chúng ta đi vào vấn đề chính: làm giàu như thế nào? Có sẵn cho bạn cả một kho sách lược, chiến lược và phương pháp làm giàu và nhanh chóng đưa bạn đến cấp độ bốn: dư dả tài chính.
Mỗi khi nói đến vấn đề tăng thu nhập, nhiều người chỉ nghĩ được hai lựa chọn. Một là làm việc cần cù hơn, với hy vọng được sếp chú ý và tăng lương 5% – 10%, hai là bỏ công việc đang làm đi tìm một nơi khác trả cao hơn 10% – 20%. Vấn đề ở chỗ, nếu bạn đã làm việc 15 –20 năm hoặc ở vị trí quản lý bậc trung, chắc hẳn bạn đang hưởng mức lương khá cao, vậy bạn khó lòng lên cao hơn nữa. Lúc đó, cho dù muốn tìm một bãi cỏ khác xanh non hơn thì cũng khó lòng tìm được.
Tuy vậy, nếu chỉ tăng 5%, 10% hay 20%, bạn cũng chẳng tạo ra được sự khác biệt lớn. Cần phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp năm mức thu nhập bình thường trong vòng 12 tháng! Điều này có khả thi không? Câu trả lời là có, bạn có thể đạt được mà không cần nghỉ việc.
Một lần nữa, chỉ trông chờ vào đồng lương là chưa đủ, cần tìm cách tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Phải, nếu muốn tăng thu nhập lên gấp đôi, gấp ba, bắt buộc bạn phải tạo ra nhiều nguồn thu nhập.
Đó cũng là cách duy nhất mà tôi áp dụng để kiếm cho mình một triệu đô đầu tiên vào năm 26 tuổi: tập trung tạo ra càng nhiều nguồn thu nhập càng tốt. Hiện tôi có hơn 10 nguồn thu nhập khác nhau. Nguồn thứ nhất là học phí tôi thu được từ việc giảng dạy và diễn thuyết. Đây là nguồn thu nhập “chủ động” vì tôi muốn làm công việc mình ưa thích mà vẫn kiếm được tiền. Chín nguồn thu nhập khác là “thụ động” vì tôi gần như không phải làm gì cả mà tiền vẫn chảy về túi đều đều. Những khoản này bao gồm: lợi nhuận từ công ty tổ chức sự kiện, kinh doanh giáo dục, kinh doanh quảng cáo, tiền bản quyền cho bốn quyển sách mà tôi viết một mình hay viết cùng người khác, lợi nhuận từ cổ phiếu, lợi nhuận từ kinh doanh trên mạng và bản quyền cho các bản sách nói của tôi.
Câu hỏi đặt ra, có phải tất cả các nguồn thu nhập bạn tạo ra đều sinh con đẻ cháu mãi mãi? Ồ không có chuyện như thế. Và đó là lý do tại sao mỗi năm tôi cần tập trung tạo thêm 2 nguồn thu nhập khác. Trong những chương sắp tới, bạn sẽ thấy việc tăng thu nhập gấp 2 hoặc gấp 5 lần không quá khó khăn như bạn nghĩ. Bằng cách tăng nguồn thu nhập chính, tạo thêm nguồn thu nhập phụ, tiền sẽ như nước một khi đã được khơi dòng cứ thế chảy vào túi bạn mà bạn không cần phải trở thành “gian thương”!
Đầu tiên, hãy tập trung vào việc tăng nguồn thu nhập chính.
thong tin duoc lay tu http://yeusachthaiha.com/forum/showthread.php?t=1363
ducmanh
ducmanh
không còn gì để mất

Tổng số bài gửi : 520
Points : 607
Join date : 08/03/2010
Age : 32
Đến từ : tân sơn city

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết